Theo tin từ CTCP công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP), tính đến hết tháng 11, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 2.490 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cả năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu đóng góp 40,8% cơ cấu doanh thu, trong đó Công ty con Hoàng Gia Pha Lê (HGPL) đóng góp tới 788 tỷ đồng doanh thu xuất khẩu.

Lợi nhuận gộp 11 tháng của PLP đạt 203,7 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cả năm 2020. Trong đó, PLP đóng góp 145 tỷ đồng, Hoàng Gia Pha Lê đóng góp 58,3 tỷ đồng.

Mảng xuất khẩu vật liệu xây dựng, cụ thể là sàn đá công nghệ SPC bước đầu có kết quả tích cực. Dựa trên các đơn hàng đã ký và xuất khẩu, PLP cho biết, doanh thu hợp nhất tháng 12 của công ty ước đạt 130 tỷ đồng.

Đây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong bối cảnh môi trường kinh doanh và chi phí đầu vào biến động mạnh. Đơn cử, hiện nay giá nhựa PVC trên thị trường dao động khoảng 35.000 đồng/kg (thấp hơn tháng trước 5.000 đồng/kg), song đã tăng 80% so với cùng kỳ, làm tăng giá thành sản phẩm.

Hoạt động kinh doanh hạt nhựa của PLP vẫn duy trì là mảng hoạt động chủ lực mang lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng 2 nhà máy tại Nghệ An và Hải Phòng của PLP vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất. Với mục tiêu chạy tối đa công suất 7 dây chuyền tại nhà máy Hải Phòng, PLP tiếp tục duy trì ổn định tập khách hàng filler cũ và tích cực mở rộng các tập khách hàng mới.

Trên thế giới, sàn đá công nghệ SPC rất phát triển trong ngành công nghiệp lát sàn nói chung và đang dẫn dắt thị trường từ năm 2019. Ngành công nghiệp lát sàn trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hàng năm là 6,1%. Theo US Trade, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia thống trị trong xuất khẩu SPC, chiếm 83% giá trị hàng hóa và sản lượng sàn nhà SPC nhập khẩu vào Mỹ. Việt Nam đứng thứ 3 và chiếm khoảng 1% trong năm 2019, tuy nhiên tăng mạnh lên 4% vào năm 2020. Năm 2020, thị trường vật liệu sàn của Mỹ đạt 30 tỷ USD, trong đó thị trường SPC đạt 5 tỷ USD, chiếm 17% thị phần vật liệu sàn, tăng trưởng 30% so với năm 2019.

Xuất phát từ thực tế đó, ngoài mảng sản xuất kinh doanh hạt nhựa, PLP đã quyết định mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh sang sàn đá công nghệ SPC bằng việc đầu tư vào công ty con là CTCP Hoàng Gia Pha Lê. HGPL là đơn vị đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất sàn đá công nghệ SPC tại Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng, công suất 11 triệu m2/năm, trong đó PLP sở hữu 51% vốn điều lệ.

Ban lãnh đạo PLP xác định chủ trương phát triển không chỉ tập trung vào phân khúc sản phẩm phổ thông. Do đó, Công ty đã xoay trục hoạt động của mình sang phát triển đồng thời các sản phẩm khác. Bên cạnh sàn đá công nghệ SPC, PLP đang tấn công vào sản xuất các sản phẩm phụ kiện phào, nẹp, sản phẩm phụ trợ của sàn đá công nghệ SPC. Từ tháng 10/2021, nhà máy sản xuất phào, nẹp, sản phẩm phụ trợ của PLP đã chính thức vận hành với sản lượng gần 3 triệu m dài/năm, PLP đang trong quá trình đàm phán đặt thêm 6 dây chuyền, dự kiến có thể vận hành vào đầu năm 2022 với công suất tổng thể lên tới 10 triệu m dài/năm.

Previous post Vinsmart sắp mua 71% cổ phần tại một công ty khai thác quặng từ VinFast
Next post Bloomberg: Công ty sở hữu Zalo muốn niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC với mức định giá 3 tỷ USD