Khi mới nhận được thông tin TPHCM quy định doanh nghiệp (DN) phải lo chỗ ăn ở tại chỗ cho công nhân thì mới được tiếp tục sản xuất, Công ty 3D Hub Global (Q.Tân Phú) liền cấp tập dựng rạp như đám cưới, kê bàn ăn ngay sân công ty để làm nhà ăn, mua thêm gối, chiếu, mùng, mền…

Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global, nói: “Dù đã có kế hoạch từ trước, nhưng chúng tôi chỉ có một ngày để triển khai từ việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký đến mua sắm đồ dùng cho công nhân ở lại nên gặp không ít khó khăn. Dù rất chật vật, nhưng chúng tôi buộc phải tiếp tục sản xuất vì đơn hàng nhiều, đặc biệt là hàng xuất khẩu phải đảm bảo tiến độ cho đối tác”.

Trong khi đó, ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, tranh thủ xuống nhà máy ở huyện Bình Chánh đẩy nhanh tiến độ xây nhà tạm cho công nhân ở lại.

“Trước mắt, chúng tôi mua lều cá nhân, chiếu, gối cho hơn 100 công nhân ở tạm trong nhà kho trong khi chờ xây dựng nhà tạm. Mình phải xây dựng nhà ở lại bài bản, có khu ăn uống, vệ sinh đàng hoàng để công nhân nghỉ ngơi… Do gấp gáp nên cũng phải chạy khắp nơi để mua sắm cho kịp, giờ thiếu đâu sắm nấy thôi”, ông nói.

Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Q.12) sử dụng 2 kho vừa mới xây dựng trong nhà máy làm nơi lưu trú, công nhân mỗi khu không được qua lại. “Toàn bộ hoạt động nấu nướng được công ty thuê đội nấu chuyên nghiệp bên ngoài để phục vụ công nhân.

Song song đó, với nhân viên giao hàng, khi phân phối hàng, họ về lại công ty nhưng chỉ ở bên ngoài, hạn chế tiếp xúc các khu vực khác và phải khử khuẩn cá nhân, phương tiện”, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho hay.

Đại diện Công ty CP Sài Gòn Food cho biết, công ty có 5 nhà máy đang hoạt động tại KCN Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh). Từ ngày 15/7, công ty dừng hoạt động 2 nhà máy để lấy chỗ làm nơi ở dã chiến cho khoảng 200 công nhân. Nơi ở và làm việc của công nhân sẽ trong một khuôn viên, có hàng rào ngăn giữa khu vực lưu trú và khu sản xuất.

Dù đã tổ chức cho công nhân ăn ở tại DN, nhưng ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí – Điện TPHCM, cho rằng, do lập khu dã chiến nên mọi thứ không để đạt 100% như ý. Các DN trong Hội hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả khi DN đã mua sắm lều bạt, gối chiếu cho công nhân ở lại thì vẫn có khả năng phải đóng cửa nếu cơ quan chức năng kiểm tra không đạt tiêu chuẩn.

Xoay xở không kịp

Trong lúc dịch bệnh đe dọa hoạt động sản xuất, ngành dệt may nỗ lực để có đơn hàng đến hết năm, nhưng đột nhiên hàng loạt DN tạm ngừng hoạt động vì không đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ”. Thẫn thờ kiểm tra lại máy móc, nhà xưởng trước khi cho tạm ngưng hoạt động, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (Q.Tân Bình), nói: “Quy định mới có thời gian quá gấp nên DN xoay xở không kịp. Chúng tôi hiểu rất rõ tính cấp thiết trong công tác phòng dịch của chính quyền.

TPHCM hiện có khoảng 161 DN đăng ký tổ chức thực hiện “vừa cách ly vừa sản xuất” tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng số người lao động đang lưu trú tại DN hơn 9.300 người. Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM, nói: “Ở góc độ công đoàn, chúng tôi quan tâm đến 2 yếu tố: cơ sở vật chất và dinh dưỡng để người lao động vừa chống dịch vừa sản xuất nhưng phải đảm bảo sức khỏe an toàn lao động”.

Previous post CEO hãng container lớn nhất thế giới dự đoán tương lai chuỗi cung ứng: Tôi ước được nói tình hình đang trở nên tốt hơn
Next post Hơn 146.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc – Nam được chia vào các giai đoạn như thế nào?