Các loại tiền trú ẩn an toàn, đặc biệt là yen Nhật và Franc Thụy Sỹ, tăng giá mạnh mẽ trong phiên cuối tuần trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu và lợi tức trái phiếu Mỹ đều giảm do lo ngại sự lây lan nhanh chóng của virus biến thể Omicron đang dẫn tới việc các nơi trên thế giới đóng cửa trở lại nền kinh tế của mình.

Đồng USD trải qua một phiên nhiều biến động, tăng giá khá mạnh nhưng kết thúc phiên chỉ còn tăng chút ít so với đóng cửa phiên trước, so với một tuần trước gần như không thay đổi, mặc dù tuần trước đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc tuần ở mức 96,146, gần như không thay đổi so với một tuần trước đó, và không xa so với mức cao kỷ lục kể từ tháng 7 năm ngoái đạt được vào tuần trước.

Thông tin từ Action Economics cho biết: “Thị trường những tuần gần đây tiếp tục chịu tác động bởi sự thay đổi về quan điểm chính sách tiền tệ, lo lắng về lạm phát và mới đây nhất là những bất ổn liên quan đến virus biến thể Omicron”. Lo ngại lạm phát gia tăng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ thắt chặt tiền tệ kể kiềm chế lạm phát.

Dữ liệu từ Mỹ vừa công bố cho thấy số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 11 không được như mong đợi khi chỉ tăng 210.000 việc, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán là 550.000 trong cuộc thăm dò của Reuters.

Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ cũng điều chỉnh các số liệu việc làm của những tháng trước theo hướng tích cực hơn, và đưa ra những thông tin chi tiết chắc chắn về thị trường lao động nước này. Theo đó, tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 10 được điều chỉnh tăng từ 531.000 lên 546.000, tháng 9 tăng từ 321.000 lên 379.000, tương đương tăng tổng cộng 82.000 việc trong hai tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng giảm từ 4,6% xuống 4,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Do đó, những người tham gia thị trường nhận định, với kết quả thị trường việc làm như vậy, Fed sẽ không thay đổi kế hoạch tăng tốc độ giảm mua tài sản, và có thể sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm tới, bất chấp mối đe dọa từ virus Omicron. Thị trường đánh giá xác suất Fed sẽ nâng lãi suất tiền tệ vào tháng 5/2022 lên tới 74%.

Jonathan Petersen, nhà kinh tế thị trường thuộc Capital Economics, cho biết: “Bất chấp báo cáo việc làm đan xen cả thông tin tốt và không tốt như vậy, chúng tôi cho rằng bức tranh tổng thể vẫn là áp lực lạm phát kéo dài ở Mỹ có khả năng Fed sẽ phải bình thường hóa chính sách một cách nhanh chóng hơn. Điều đó sẽ giữ cho đồng đô la mạnh”.

Ông Petersen của Capital Economics cho biết giá trị của đồng đô la phản ánh “tác động phản ngược từ việc tăng lãi suất ở Mỹ sắp tăng, đặc biệt sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell’s trong bài điều trần trước Quốc hội mới đây đã tỏ thái độ ‘diều hâu’ hơn, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về virus biến thể Omicron”.

Nhìn chung, các nhà giao dịch ngày càng đặt cược rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ sớm xảy ra.

Giá USD neo cao, vàng tăng mạnh, Bitcoin và Ether lao dốc phiên cuối tuần - Ảnh 1.

Previous post Con rể ông Trump cáo buộc một số người coi đại dịch Covid-19 là trò chơi chính trị
Next post Enn Energy Holdings bán hết hơn 7 triệu cổ phiếu PCG, không còn là cổ đông lớn của PVGas City