Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (gọi tắt là Chương trình CSI) là hoạt động thường niên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức. Năm 2021 là lần thứ 6 Chương trình CSI diễn ra và đến nay, Tập đoàn Thiên Long luôn nằm trong danh sách này mỗi năm.

Bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp, Chương trình CSI 2021 vẫn thu hút 600 hồ sơ tham gia của doanh nghiệp ở nhiều quy mô, thành phần kinh tế. Trong top 100, doanh nghiệp trong nước chiếm 63% và doanh nghiệp ngoài nước chiếm 27%. Ban tổ chức đánh giá điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

Top 100 doanh nghiệp bền vững được chọn ra vì đáp ứng Bộ chỉ số CSI do VCCI xây dựng từ năm 2014. Theo ban tổ chức, Bộ chỉ số CSI 2021 có 119 chỉ số bao gồm các chỉ số đo đếm về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số về quy trình quản trị, các chỉ số về bảo vệ môi trường và các chỉ số về xã hội.

Sau nhiều năm triển khai, doanh nghiệp đánh giá Bộ chỉ số CSI là một bộ công cụ hướng dẫn, đo đếm kết quả hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật nhằm tạo điều kiện cho DN quản trị các rủi ro, tăng cường khả năng chống chịu cũng như tuân thủ các thông lệ quốc tế trong thực tiễn kinh doanh.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn và khích lệ các Doanh nghiệp bền vững tiêu biểu năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng việc thực hiện các chiến lược phát triển bền vững. Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép tất cả các mục tiêu phát triển bền vững trong các chiến lược, kế hoạch hành động…

Đại diện Thiên Long nhận định nằm trong Top 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2021 là sự công nhận cho nỗ lực theo đuổi chiến lược phát triển bền vững toàn diện của Thiên Long. Đối với tập đoàn văn phòng phẩm 40 năm tuổi này, các mục tiêu tăng trưởng kinh doanh không thể tách rời chiến lược phát triển bền vững. Tập đoàn này cụ thể hoá chiến lược quan trọng này bằng nhiều hành động hiệu quả.

Về quản trị, Thiên Long đang vận hành một hệ thống tích hợp quản trị toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng. Quy trình rà soát chất lượng sản phẩm của Thiên Long nghiêm ngặt ở tất cả các khâu trước khi phân phối đến tay người tiêu dùng.

Các sản phẩm của Thiên Long đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn tiên tiến trên thế giới gồm tiêu chuẩn Mỹ: ASTM D4236, ASTM F-953, CPSIA, TPCH, AP Seal, tiêu chuẩn châu Âu: REACH, CE Marking (EN71/1,2,3), tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam như QCVN 03:2019/BKHCN.

Tập đoàn văn phòng phẩm này tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001:2004. Để bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể, Thiên Long thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tái sử dụng nguyên vật liệu, tăng cường xử dụng nguyên vật liệu thân thiện, kiểm soát và xử lý nước thải – chất thải, giám sát môi trường, đầu tư các loại máy móc tiết kiệm điện…

Từ năm 2018, Thiên Long đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời để giảm chi phí điện, ước tính giảm khoảng 220 tấn CO2 thải ra môi trường.

Thiên Long vào Top 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam sáu lần liên tiếp - Ảnh 1.

Previous post Ford và SK Innovation dự chi 11 tỷ USD đầu tư sản xuất pin và xe điện, VinFast muốn đến Mỹ liệu giống như David đối đầu Goliath?
Next post Taya Việt Nam (TYA): Quý 2 lãi 35 tỷ đồng gấp 3,3 lần cùng kỳ – cao nhất từ khi thành lập đến nay